Tin văn hoá - ẩm thực

Khám phá phong tục đón Tết trung thu ở Trung Quốc

  • Sep 07, 2023
  • 183 Lượt xem
Khám phá phong tục đón Tết trung thu ở Trung Quốc

Tết Trung thu là lễ hội quan trọng thứ hai ở Trung Quốc sau Tết Nguyên Đán. Đây cũng là thời gian đoàn tụ của các gia đình và có rất nhiều hoạt động diễn ra. Cùng Hán Ngữ Thành Công tìm hiểu về ngày tết Trung thu Trung Quốc nhé!

1. Nguồn gốc ngày tết Trung thu Trung Quốc

Tết Trung thu theo truyền thống rơi vào ngày 15 của tháng 8 âm lịch Trung Quốc. Năm 2022, Tết Trung thu rơi vào ngày 10 tháng 9 (thứ bảy). Người dân Trung Quốc được nghỉ lễ 3 ngày từ 10 đến 12/9. Năm 2023, Tết Trung rơi vào ngày 29 tháng 9 (thứ sáu).

Tết Trung thu đã có lịch sử hơn 3.000 năm. Được bắt nguồn từ phong tục cúng trăng vào mùa thu để tạ ơn mùa màng bội thu.

Trong quá trình phát triển văn hóa/ lịch sử, Tết Trung thu đã mang nhiều ý nghĩa hơn, bao gồm cả gia đình quây quần bên nhau và cầu mong sức khỏe, hạnh phúc.

Trong thời hiện đại, mọi người chủ yếu đón Tết Trung thu như một thời gian để đoàn tụ gia đình. Người ta cho rằng mặt trăng vào ngày này là sáng nhất và tròn nhất, điều này mang ý nghĩa gia đình đoàn tụ.

2. Các hoạt động diễn ra vào ngày Tết Trung thu Trung Quốc

2.1. Ăn uống cùng gia đình

Hình tròn của mặt trăng tượng trưng cho sự đoàn tụ của gia đình trong tâm thức của người Trung Quốc. Các gia đình sẽ ăn tối cùng nhau vào tối Tết Trung thu.

Kỳ nghỉ lễ (thường là 3 ngày) chủ yếu để những người thân làm việc ở các nơi có thời gian sum họp đông đủ.

2.2. Ăn bánh trung thu

Bánh trung thu là món ăn tiêu biểu nhất cho Tết Trung thu. Hình dạng tròn và hương vị ngọt ngào tượng trưng cho sự trọn vẹn và ngọt ngào. Vào dịp Tết Trung thu, mọi người ăn bánh trung thu cùng với gia đình.Hoặc tặng bánh trung thu cho người thân hoặc bạn bè, để bày tỏ tình yêu thương và những lời chúc tốt đẹp nhất.

2.3. Ngắm trăng

Người Trung Quốc thường đặt bàn bên ngoài ngôi nhà của họ và ngồi bên nhau để ngắm trăng tròn trong khi thưởng thức những chiếc bánh trung thu thơm ngon. Các bậc cha mẹ có con nhỏ thường kể về truyền thuyết Hằng Nga bay lên mặt trăng.

2.4. Thờ mặt trăng

Theo truyền thuyết về Tết Trung Thu, một tiên nữ tên là Hằng Nga sống trên mặt trăng cùng với một con thỏ dễ thương. Vào đêm Trung thu, người ta bày một bàn tiệc dưới trăng với bánh trung thu, đồ ăn nhẹ, hoa quả, và trên đó có một đôi nến được thắp sáng. Một số người tin rằng bằng cách thờ cúng mặt trăng, Hằng Nga (nữ thần mặt trăng) có thể thực hiện mong muốn của họ.

2.5. Thả đèn lồng

Lồng đèn là một phần không thể thiếu trong ngày Tết Trung thu. Mọi người làm đèn lồng, mang đèn lồng để trông trăng, treo đèn lồng trên cây hoặc nhà, thả đèn trời, hoặc tham quan các điểm trưng bày đèn lồng công cộng, do đó nó thậm chí còn được gọi là lễ hội đèn lồng (đừng nhầm với Lễ hội đèn lồng vào ngày rằm trăng sau Tết Nguyên Đán).

Đèn lồng từ lâu đã gắn liền với lễ hội kể từ thời nhà Đường (618–907), có thể vì biểu tượng truyền thống của chúng là sự may mắn, ánh sáng và sự đoàn kết gia đình.

Lồng đèn Trung thu có nhiều hình dạng và có thể giống các con vật, cây cỏ, hoa lá. Một truyền thống là viết câu đố trên đèn lồng để mọi người có thể thích giải chúng với bạn bè hoặc gia đình.

Trong thời hiện đại, bên cạnh các hoạt động truyền thống, nhiều người Trung Quốc gửi phong bao lì xì trên WeChat và / hoặc đi du lịch trong 3 ngày nghỉ lễ để ăn mừng lễ hội.

3. Câu chuyện về Hằng Nga và Hậu Nghệ

Vốn là truyền thuyết dân gian nên chuyện có nhiều dị bản khác nhau, nhưng tựu chung lại chuyện về Hậu Nghệ và Hằng Nga thường được dùng để giải thích cho sự tích về ngày Tết Trung Thu. Tuy nhiên ở trong đó, chuyện được lồng ghép một cuộc tình đẹp mà sau này phải chịu xa cách.

Ngày xửa ngày xưa, nhân gian xuất hiện mười mặt trời cùng nhau chiếu rọi xuống mặt đất. Khắp nơi nóng như lửa, rừng cây cháy rụi, biển hồ cạn nước, người dân không tài nào sống nổi. Thấy vậy, Ngọc Hoàng liền triệu lệnh tìm các anh hùng khắp thiên giới và nhân giới ra tay xử lý.

Chuyện nghiêm trọng đến vậy, ai ai cũng muốn lập công nhưng đều không thành. Chỉ đến khi một vị anh hùng tên Hậu Nghệ, lên đường đến núi Côn Lôn, giương nỏ thần bắn hạ cả chín mặt trời. Nhân gian từ đó mới thoát được kiếp nạn. 

Lập được thần công cái thế, ai ai cũng đều tôn kính và bái phục. Không chỉ thế, Hậu Nghệ còn được rất nhiều người mộ danh tìm đến để tầm sư học đạo. Trong đó có một kẻ lòng dạ hiểm sâu, mưu mô tính toán, tên Bàng Mộng.

Chàng Hậu Nghệ sau này lấy được Hằng Nga – một người vợ xinh đẹp như tiên, tính tình hiền lành tốt bụng, được mọi người yêu quý. Hai người yêu nhau đến mức khó có thể diễn tả thành lời.

Một hôm, Hậu Nghệ trên đường đi săn tình cờ gặp Tây Vương Mẫu, cảm kích về chiến công lẫy lừng, Vương Mẫu nương nương bèn ban thưởng cho chàng một viên thuốc trường sinh, uống vào sẽ hoá tiên, bất tử cùng thế gian.  

Nhưng chàng Hậu Nghệ nào nỡ rời xa Hằng Nga. Hai người bàn nhau cất giấu viên thuốc quý. Tuy nhiên, chẳng may, tên Bàng Mộng gian xảo nghe lén được toàn bộ sự chuyện, liền bày mưu ăn cắp nhằm sống một cuộc đời trường sinh bất lão.

Có lần Hậu Nghệ dẫn các đệ tử của mình lên đường đi săn bắn dài ngày. Nhân cơ hội này, tên Bàng Mộng giả ốm để xin ở lại. Đợi mọi người đi xa khuất núi, hắn bèn giở thói côn đồ ép Hằng Nga giao ra viên thuốc quý. Trong tình thế nguy cấp, Hằng Nga không còn cách nào đành uống luôn viên thuốc, tránh để rơi vào tay kẻ có tâm địa độc ác.

Uống thuốc xong, nàng ngay lập tức thấy cơ thể mình nhẹ như mây, dần dần hoá thành tiên bay lên trời. Theo luật của thiên đình, đã là tiên thì phải sống trên Thiên giới. Hằng Nga hết mực yêu thương Hậu Nghệ nên đành bay đến nơi gần Trái đất nhất, là cung Trăng. 

Hậu Nghệ khi quay trở về, hay tin dữ, không khỏi đau lòng và tuyệt vọng. Đến ngày trăng tròn tức rằm tháng 8 Âm lịch, chàng cho bày mâm cỗ là món đồ mà Hằng Nga yêu thích. Cứ vậy, trông chờ một ngày được gặp lại tình yêu của đời mình. Hậu Nghệ cũng đâu biết rằng cũng vào đêm ấy, Hằng Nga vẫn luôn dõi theo chàng với tình yêu sáng rực tựa vầng trăng.

Chúng dân hay chuyện, cũng bày hương án dưới trăng, xin Hằng Nga ban cho cuộc đời bình an, may mắn, vẹn toàn. Từ đó, tục thờ trăng được truyền đi trong dân gian. Đặc biệt, vào ngày trăng tròn nhất trong năm là Tết Trung Thu, nhà nhà đều bày cỗ trông trăng cầu mong phước lành.

4. Bài thơ nổi tiếng về tết Trung thu Trung Quốc – Tĩnh dạ tứ (静夜思)

Tĩnh dạ tứ hay Tĩnh dạ tư là một bài thơ thuộc thể thơ Đường luật ngũ ngôn tứ tuyệt của nhà thơ Lý Bạch, ra đời trong thời Thịnh Đường.

Chữ Hán

床前明月光
疑是地上霜
举头望明月
低头思故乡

Phiên âm

Chuáng qián míng yuèguāng
Yí shì dìshàng shuāng
Jǔtóu wàng míngyuè
Dītóu sī gùxiāng

Hán Việt

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

Dịch nghĩa

Đầu tường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ quê hương.

5. Từ vựng tiếng Trung về Trung thu

1, 中秋节 /Zhōngqiū Jié/: Tết Trung thu

2, 玩花灯 /wán huā dēng/: Rước đèn

3, 赏月 /shǎng yuè/: Ngắm trăng

4, 火龙舞 /huǒ lóng wǔ/: Múa lân

5, 嫦娥 /Cháng’é/: Hằng Nga

6, 灯笼 /dēnglong/: Đèn lồng, đền xếp

7, 月饼 /yuèbing/: Bánh Trung thu

8, 玉兔 /yù tù/: Thỏ ngọc

9, 榕树 /róng shù/: Cây đa

10, 阿贵传说 /ā Guì de chuánshuō/: Truyền thuyết chú Cuội

11, 拜月的习俗 /bài yuè de xísú/: Tập tục cúng trăng

12, 家庭团圆 /jiātíng tuányuán/: Gia đình đoàn viên

13, 拜祭祖先 /bài jì zǔxiān/: Thờ cúng tổ tiên

14, 联欢晚会 /liánhuān wǎnhuì/: Bữa tiệc liên hoan

15, 传统节日 /chuántǒng jiérì/: Ngày lễ, Tết truyền thống

16, 中秋节快乐 /Zhōngqiū Jié kuàilè/: Tết Trung thu vui vẻ

Tết Trung thu Trung Quốc và Việt Nam có rất nhiều tương đồng với nhau. Tìm hiểu văn hóa là cách để tạo thêm động lực học tiếng Trung. Cùng đón đọc những thông tin bổ ích về văn hóa Trung Quốc thông qua các lễ hội nhé!

Chia sẻ:

Hãy liên hệ với chúng tôi
Du học Hán Ngữ Thành Công

Gọi Ngay
  • shape
  • shape
  • shape
  • shape